Marketing và Sales là hai mảng luôn đi đôi và song hành cùng nhau trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ trong quá trình tìm hiểu vẫn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Marketing và Sales thực sự là gì? Liệu 2 mảng này có phải là một? Làm Marketing và Sales là làm những gì? Khoa Quốc tế – ĐHQGHN sẽ giúp bạn hiểu rõ được sự khác nhau giữa hai mảng này ngay tại bài viết:
Marketing không phải là Sale, Sale cũng không giống Marketing
Stever Robbins – nhà điều hành của Get-it-Done Groups đã phát biểu trong một buổi phỏng vấn: “Trong hầu hết các doanh nghiệp, Marketing và Sales rất khác nhau. Sales là khi bạn đối mặt trực tiếp với khách hàng, thuyết phục một người mua sản phẩm của bạn. Marketing là tập hợp các quyết định bạn đưa ra về thị trường dẫn đến bán hàng thành công”. Một cách dễ hiểu, Marketing đặt những viên gạch đầu tiên cho 1 một chiến dịch khi một sản phẩm hoặc dịch vụ mới được tung ra còn Sale sẽ thực hiện những khâu cuối cùng.
Cụ thể, Marketing là quá trình kinh doanh tạo mối quan hệ với khách hàng, bộ phận này sẽ làm các công việc liên quan đến truyền thông và quảng bá để thu hút và giữ chân khách hàng, khơi dậy lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu bằng cách thỏa mãn mong muốn và nhu cầu của họ. Đây được coi là hoạt động giúp doanh nghiệp giao tiếp với người tiêu dùng, cho khách hàng biết tại sao họ nên sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của công ty này thay vì của công ty đối thủ khác.
Trong khi đó, Sales là hoạt động liên quan đến việc bán một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian đã được định trước. Người bán hay nhà cung cấp hoàn thành bán hàng để phản hồi việc mua lại, chiếm hữu, yêu cầu hoặc tương tác trực tiếp với người mua tại điểm bán.
Chiến lược khác nhau
Marketing có thể thực hiện các phương pháp chiến lược khác nhau tùy thuộc vào loại chiến dịch và khách hàng họ đang nhắm mục tiêu. Các chiến lược tiếp thị phổ biến bao gồm:
-
Tiếp thị nội dung: Blog, sách điện tử, podcast, …
-
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, hoặc SEO: Quá trình này tối ưu hóa nội dung trên một trang web, kể cả trong blog, để nội dung của bạn xuất hiện trong kết quả của công cụ tìm kiếm.
-
Tiếp thị trả tiền: Còn được gọi là tìm kiếm có trả tiền. Điều này liên quan đến việc đặt quảng cáo của bạn nơi khách hàng của bạn đang tìm kiếm như Google AdWords.
-
Tiếp thị truyền thông xã hội, chẳng hạn như Facebook, Facebook Messenger, Twitter, Instagram, YouTube, Tumblr, LinkedIn và nền tảng mới nổi gần đây nhất là Tiktok.
-
Email tiếp thị: Nhắm đến mục tiêu đối tượng phân khúc nhất định khi có phương thức liên hệ của nhóm khách hàng này.
-
Tiếp thị in: Chẳng hạn như báo và tạp chí, …
Tương tự như chiến lược Marketing, phương thức bán hàng có thể thay đổi tùy thuộc vào ngành, sản phẩm, thị trường và khách hàng mục tiêu. Một số phương pháp bán hàng phổ biến nhất là: SPIN Selling, Solution Selling, N.E.A.T. Selling, Conceptual Selling, SNAP Selling, CustomerCentric Selling, Inbound Selling, MEDDIC, The Challenger Sale, The Sandler System
Hai bộ phận, hai nhiệm vụ khác nhau
Người làm Marketing (Marketer) không phải chờ đến khi có sản phẩm mới bắt đầu lên chiến lược. Trước khi sản xuất, họ phải xác định kế hoạch Marketing, đưa ra loại hình sản phẩm để thực hiện, xác định nhóm khách hàng, khách hàng muốn gì và đối thủ cạnh tranh là ai. Sau đó, bộ phận Marketing sẽ tìm ra cách phân biệt sản phẩm với đối thủ cạnh tranh bằng cách chọn nơi sản phẩm được bán, giá, bao bì, thông điệp quảng cáo và kênh quảng cáo chạy. Đây còn được gọi là 4Ps của tiếp thị: sản phẩm, giá cả, địa điểm và khuyến mãi. Các mục tiêu được đặt ra, các kênh tiếp thị được chọn và ngân sách được lập cho các chiến dịch mà nhóm tiếp thị dự định theo đuổi.
Tiếp đó, các Marketer phải theo dõi quá trình sản xuất, sau khi hoàn thành sản phẩm, người làm thị trường sẽ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, PR, tiếp thị trực tiếp được tung ra hết sức rầm rộ để người tiêu dùng biết đến sản phẩm và thương hiệu của mình.
Đến giai đoạn cuối này, các nhân viên Sales mới bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình. Dựa theo kế hoạch đã phác thảo bao gồm chi tiết về quy trình bán hàng, cơ cấu nhóm, thị trường mục tiêu và kế hoạch hành động, công cụ và tài nguyên sẽ được sử dụng để đạt được các mục tiêu này cùng với chiến lược đã được marketer vạch ra, những người làm công tác kinh doanh, bán hàng sẽ “chinh chiến” tại các điểm bán hàng, các cơ sở phân phối. Nhân viên Sales sẽ thương lượng về giá buôn sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng trong thị trường, giới thiệu cho họ về sản phẩm và thuyết phục khách hàng mua càng nhiều hàng hóa càng tốt để thu về lợi nhuận lớn nhất có thể.
Mặc dù có khác nhau về mục tiêu, chiến lược hay nhiệm vụ nhưng hai bộ phận Marketing và Sales lại có sự liên kết chặt chẽ và bổ trợ cho nhau. Đây cũng là hai bộ phận giữ vai trò quan trọng trong một chiến dịch quảng bá sản phẩm mới của các doanh nghiệp. Các công ty hiện nay đều hướng tới tối ưu hóa chiến lược bán hàng và nỗ lực kết hợp hai mảng này lại với nhau để giải quyết đầu ra của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh thu và gia tăng lợi nhuận. Mong rằng bài viết đã giúp bạn nhận ra sự khác nhau giữa hai mảng này và có lựa chọn tốt nhất cho mình.
Các thí sinh quan tâm tới các chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế cần nhận thông tin tư vấn có thể liên hệ các số điện thoại: 024 3555 3555 | 0983 372 988 | 0379 884 488 | 0989 106 633 hoặc trực tiếp inbox Fanpage Khoa Quốc tế hoặc Group hỗ trợ sinh viên tương lai K19 Future Gen hoặc website: https://student.isvnu.vn/ hoặc email: tuyensinh@khoaquocte.vn
Các thí sinh cũng có thể nhận thông tin tư vấn trực tiếp tại các văn phòng tuyển sinh:
Địa chỉ 1: Nhà G8, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội
Địa chỉ 2: Phòng 306, Nhà C, Làng Sinh viên HACINCO, 79 Nguỵ Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội