Trong một buổi livestream webinar thuộc chuỗi sự kiện mở-trường-trực-tuyến “V – Universities Open Week” đồng tổ chức bởi Khoa Quốc tế và VOCF, thầy Ngô Trí Trung, Phó Trưởng Phòng CTHSSV, đồng thời là Giảng viên Khoa Quốc tế – ĐHQGHN gửi tới các bạn 2k3 những chia sẻ thật thú vị từ kinh nghiệm làm việc đa dạng với giới trẻ ở Mỹ và Việt Nam của thầy.
Sinh viên ra trường làm trái ngành nhiều – tại sao?
“65% sinh viên Việt Nam ra trường làm trái ngành được đào tạo”
Nếu con số 65% là có thật, thì việc các bạn ra trường làm trái ngành không phải lỗi hoàn toàn từ phía các bạn sinh viên hay gia đình mà một phần xuất phát từ văn hóa khoa bảng, ảnh hưởng tới cách chúng ta lựa chọn ngành nghề, lựa chọn trường đại học ở Việt Nam. Ví dụ, tại Mỹ, khi bạn muốn trở thành bác sĩ, bạn sẽ học ngành liên quan đến Sinh học trong thời gian từ 4 đến 5 năm ở trường đại học. Sau đó, bạn sẽ phải tham gia một kỳ thi trong thời gian dài để có thể theo học tại trường y khoa và học tiếp những kiến thức chuyên ngành. Nhưng ở Việt Nam, các bạn phải trải qua kỳ thi THPT trong 2 ngày, tổ hợp môn Toán, Hóa, Sinh với số điểm gần như tuyệt đối thì mới có cơ hội đỗ vào các trường y khoa. Như vậy cơ hội để cho các bạn theo đuổi ngành y tại Việt Nam khá hẹp và mang tính thời điểm, trong khi các bạn sinh viên ở những nước phương Tây sẽ có thời gian dài hơn để lựa chọn.
“Có lẽ vì vậy mà có thống kê rằng 65% các bạn sinh viên ra trường làm việc trái ngành, khi các bạn thí sinh đã lựa chọn một ngôi trường an toàn với mức điểm của mình thay vì quyết tâm theo đuổi ngôi trường cho mình tiếp cận với công việc mơ ước của bản thân.”
Nếu bạn muốn theo đuổi một ngành nghề thì bạn hãy tìm cách để tiếp cận với công việc đó nhiều nhất có thể: công việc hàng ngày của nghề đó như thế nào, thậm chí cả mặt tốt lẫn mặt trái, cái được cái mất của nghề thay vì việc tìm hiểu những mô tả chung về đầu ra, mức thu nhập, …
Việc hiểu được về ngành nghề mơ ước của mình và giảm thiểu chi phí mà mình phải bỏ ra khi học ngành không phù hợp với bản thân. Chi phí ở đây không chỉ là tiền học mà còn là thời gian 4 năm ngồi trên giảng đường, thời gian đã mất đi thì rất khó có thể lấy lại và nó còn đắt hơn những thứ khác rất nhiều.
Chọn trường trước, hay ngành trước?
Dù bạn học ở Việt Nam hay nước ngoài, giai đoạn lớp 12 chính là thời điểm chúng ta cần tìm ngã rẽ cho riêng mình. Thầy tin rằng các bạn học sinh đều ý thức được ngã rẽ ấy sẽ thay đổi cuộc đời chúng ta rất nhiều, các em cũng đang phải gánh những áp lực vô hình như áp lực từ xã hội, kỳ vọng từ gia đình, hay chính chúng ta cảm thấy mông lung vì sự so sánh chúng ta tự tạo ra với bạn bè đồng trang lứa.
“Thật vui khi có nhiều bạn học sinh THPT hỏi thầy: ”Sở thích và điểm mạnh của em như thế này thì em nên chọn trường gì?”, hay “Em thích ngành này thì nên theo học tại trường nào?” bởi khi đó bạn thực sự đã đi tới rất sát câu trả lời rồi.”
Tuy nhiên, đa phần các bạn học sinh Việt Nam thường bắt đầu với việc chọn trường đại học trước rồi mới chọn ngành. Điều đó hơi ngược 1 chút bởi thực tế, điều các bạn cần tìm hiểu đầu tiên đó chính là bản thân các bạn! Để tìm ra điều mà mình thực sự đam mê là gì, mình phù hợp với ngành nghề nào. Nếu bạn không thực sự hiểu bản thân mình đang cần gì thì bạn sẽ không đủ sự kiên định để bước tiếp trên con đường mà mình lựa chọn.
Việc định hướng tương lai bản thân tùy thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh của mỗi người. Trường đại học sẽ mang đến một ảnh hưởng nhất định đối với quãng đường của chúng ta sau này, nhưng đây không phải là con đường duy nhất để chuẩn bị cho 40 năm tiếp theo của cuộc đời. Theo quan điểm của thầy, chúng ta nên bắt đầu với việc tìm hiểu rõ bản thân mình muốn gì, sau đó liên hệ điều đó với một ngành nghề cụ thể và bước cuối cùng là mới nên chọn trường đại học có thể giúp chúng ta tiếp cận ngành nghề đó.
Hiểu bản thân không khó
Nhiều bạn trẻ ngày nay khi tiếp cận những mốc quan trọng của cuộc đời thường tự so sánh bản thân với những người xung quanh mà chưa nhìn nhận đúng về lợi thế hay điểm mạnh của mình. Đối với những bạn vẫn chưa tìm được đam mê hay sở trường thì nên tự hỏi bản thân rằng: “Điều gì thực sự quan trọng với mình?”.
Đó có thể là giá trị gia đình? Điều kiện tài chính? Sự thừa nhận của xã hội? hay mong muốn có cho mình một vị trí việc làm tốt? Hãy có cho mình một danh sách với thứ tự ưu tiên nhất định và bắt đầu từ đó.
Bạn cũng đừng ngại dấn thân trải nghiệm. Chỉ khi thực sự trải nghiệm thì chúng ta mới có thể nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Không có một trải nghiệm nào là vô ích cả, quan trọng là bạn phải hành động thì mới có thể chiêm nghiệm ra được. Có thể là bạn sẽ không thích công việc đầu tiên của mình hoặc gặp phải thất bại, nhưng chính từ đó mà bạn có thể nhận ra cái gì phù hợp với mình và bản thân còn thiếu sót điều gì. Những trải nghiệm này sẽ trở thành kim chỉ nam đầu tiên cho các bạn trẻ trên con đường phát triển sự nghiệp sau này.
Khởi nghiệp ban đầu bao giờ cũng sẽ lỗ, mình có nên làm việc gì khác song song và điều đó có khó hay không ?
Trong quá trình trưởng thành, suy nghĩ của chúng ta sẽ không ngừng thay đổi nhưng ở mọi thời điểm – dù bạn đang khởi nghiệp hay đã tạm ổn định công việc, bạn đều cần xác định rõ điều gì là quan trọng nhất.
“Nếu con đường khởi nghiệp là mục tiêu theo đuổi đến cùng thì thước đo đánh giá thành công sẽ dài và xa hơn. Đừng quá câu nệ trong việc so sánh kết quả khởi nghiệp của mình trong vòng 3 năm từ khi mới ra trường là phải đạt doanh thu và lợi nhuận ra sao mà hãy hướng tới những giá trị lâu bền hơn. Chỉ như thế chúng ta mới không bị mất phương hướng sau mỗi trải nghiệm ngắn hạn.”
Thực tế chúng ta thường không gặp quá nhiều vấn đề về năng lực, qua mỗi lần thất bại thì các bạn sẽ trưởng thành lên rất nhiều. Vấn đề các bạn thường gặp phải là sự thiếu kiên nhẫn. Trong 2-3 tháng sau khi trải nghiệm với công việc và gặp những khó khăn, các bạn đã vội vàng nghĩ nó không hợp thì có thể chúng ta đã quá vội vàng nhìn vào thành quả mà vô tình quên đi mất quá trình và những bài học là thứ mang lại nhiều lợi ích hơn.
Có nên xem khung chương trình học của ngành mình định học hay không? Và nếu nhìn khung chương trình rồi không muốn học, thì có đúng không?
Khi nhìn vào khung chương trình bạn sẽ có thể hiểu được rằng 4 năm tới bạn sẽ học những gì. Nếu chỉ nhìn qua tên môn học và những mô tả chung thì nó sẽ chưa thể cho chúng ta cái nhìn 1 cách trọn vẹn, bài học rút ra ở đây là đừng nên đưa ra quyết định khi chúng ta chưa thật sự có đủ thông tin.
Khi làm thêm cho 1 tổ chức xã hội ở Mỹ, thầy đã từng gọi điện cho rất nhiều anh chị người Mỹ để hỏi tại sao họ lại thấy ngành này có giá trị? Tại sao họ lại thấy ngành này đem lại hạnh phúc? Hằng ngày anh chị làm những gì? Học được những gì? Điều gì trong công việc khiến anh chị vui/buồn mỗi ngày?”
Để có thêm thông tin về ngành học, các bạn nên hỏi kinh nghiệm của những anh chị đi trước, những người đã làm trong nghề để giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan nhất.
Tiêu chí nào để chọn một trường đại học phù hợp?
Hành trình chọn trường sẽ không quá khó như cách các bạn thường tự tạo áp lực, nhưng nó cũng không hoàn toàn đơn giản mà chúng ta có thể chọn 1 cách bừa bãi được. Cái quan trọng nhất mà các bạn trẻ Việt Nam chưa thực sự có tâm thế đúng đắn khi lựa chọn trường đại học đó là các bạn lo lắng không có đủ sức và không đủ tốt để vào trường. Thay vào đó các bạn hãy nên tiếp cận theo hướng ngược lại là liệu trường sẽ cho chúng ta được điều gì? Liệu trường có giúp cho chúng ta được nhiều điều như kỳ vọng không? Liệu trường có những giá trị mà chúng ta tìm kiếm hay không?
Trường đại học không phải là nơi làm khó chúng ta, mục đích của trường đại học là cho chúng ta giá trị hỗ trợ trung chuyển cho các bước tiếp theo của cuộc đời. 1 môi trường đại học tốt là nơi có thể cho sinh viên học kỹ năng từ sớm bên cạnh việc giảng dạy kiến thức. Các bạn nên mạnh dạn hỏi ngôi trường mà mình định theo học xem trường sẽ cho mình kỹ năng và trải nghiệm như thế nào và hãy nên hỏi những câu hỏi cụ thể. Ví dụ như “Lần gần nhất trường làm hoạt động gì và làm như thế nào? Bao nhiêu bạn sinh viên ra trường làm việc đúng ngành nghề? Tại sao em nên chọn trường mình? Trường có những cơ hội/hoạt động nào? Câu lạc bộ nào để cho em rèn luyện những kỹ năng? Những kỹ năng đó cụ thể là gì? Lần gần nhất trường tổ chức cuộc thi cho sinh viên là khi nào? Năm nhất em có được định hướng về nghề nghiệp không? Trường đang có danh mục hợp tác với bao nhiêu doanh nghiệp?… Khi các em đưa ra được đáp án cho những câu trả lời đó thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn cho câu hỏi nên theo học ngôi trường nào!
Đừng quên rằng kiến thức là 1 phần – 50% còn lại là rèn luyện kỹ năng cũng cần được dành sự quan tâm đặc biệt khi chọn trường đại học.
Ngoài nguồn thông tin của chính trường cung cấp, còn nguồn nào khác để tìm hiểu về trường?
Ngoài việc lấy thông tin từ cán bộ trong trường thì các bạn hãy hỏi những người làm trong ngành, hỏi anh chị sinh viên đang học trong trường và nếu có thể hãy hỏi những cựu sinh viên của trường đã đi làm để họ có thể chia sẻ những trải nghiệm tốt nhất, chân thật nhất về trường đó.
Đôi khi sự quan trọng của 1 trường đại học không chỉ đơn thuần là chuyện trường mang lại những kỹ năng và kiến thức gì mà cái quan trọng hơn nữa đó là giá trị thay đổi của bản thân. Hãy tránh chọn trường có điểm đầu vào cao để rồi đến khi vào được trường đó rồi, mình lại tự cảm thấy mình giỏi nhưng khi ra trường thì chưa chắc mình đã giỏi như mình tưởng. Thay vào đó hãy chọn cho mình một ngôi trường mà khi từ đầu vào mình đang dừng ở nấc “3-4” đến khi ra trường sẽ được “7-8”.
Giá trị bản thân không nằm ở danh hiệu trên tấm bằng. Bởi dù các bạn có học tập tại 1 trường tốt nhất thì tới khi đi làm mới là lúc chúng ta học thực sự, những kiến thức ở trường đại học chưa bao giờ là đủ. Việc lựa chọn trường đại học không quan trọng bằng việc liệu mình có nỗ lực phấn đấu bản thân mình hay không?
Điều quan trọng nhất khi học ở đại học là các bạn phải tự học, tự trải nghiệm, tự phấn đấu bản thân là điều quyết định dẫn đến thành công. Và môi trường ở trường đại học chỉ là chất xúc tác giúp bạn dễ dàng tiến tới những mục tiêu mà thôi nên các bạn cũng đừng quá áp lực bởi suy nghĩ 4 năm đại học sẽ quyết định tất cả mọi thứ sau này.Câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng liệu bạn đã có câu trả lời chính xác chưa?
Đại học không phải chỉ là nơi để học. Một trường đại học tốt nhất bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, còn là nơi giúp em bồi dưỡng những kỹ năng để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Bạn có đồng ý với những chia sẻ của thầy Trung không? Hãy chia sẻ bài viết này để mọi người cùng biết nhé!
Xem livestream trực tiếp: